Trong khuôn khổ đại hội thế giới lần thứ 8 Liên hiệp Các hội UNESCO (WFUCA), vừa qua tại Hà Nội Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam và Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức điễn đàn thông tin giới thiệu dự án – doanh nghiệp – đoanh nhân Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam hướng ...
Trong khuôn khổ đại hội thế giới lần thứ 8 Liên hiệp Các hội UNESCO (WFUCA), vừa qua tại Hà Nội Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam và Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức điễn đàn thông tin giới thiệu dự án – doanh nghiệp – đoanh nhân Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới hội nhập và phát triển bền vững”.

Ảnh minh họa
Mục đích của diễn đàn nhằm giới thiệu thông tin về các DN, doanh nhân của Việt Nam tới các đại biểu quốc tế, khách mời của Đại hội WFUCA, các nhà đầu tư, tập đoàn tài chính, ngân hàng quốc tế… đồng thời đưa ra những giải pháp hữu ích giúp DN Việt Nam nâng cao khả năng hội nhập và phát triển bền vững trong tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
Phát triển bền vững là gì? Với bài tham luận, “Phát triển bền vững và Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, ông Thanh Lê – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cho biết: Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại hay ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Khái niệm phát triển bền vững cũng bao gồm 3 phương diện chính: môi trường bền vững, kinh tế bền vững và chính trị xã hội bền vững.
Trong đó, theo ông Thanh Lê DN phải hiểu được thế giới là một hệ thống có kết nối chặt chẽ. Nhờ đó hiểu được rằng, ô nhiễm không khí ở Bắc Mỹ sẽ ảnh hưởng đến không khí ở châu Á, hay việc phun thuốc trừ sâu ở Achentina có thể gây hại cho gia súc ở tận bờ biển châu Úc, và các chính sách kinh tế chúng ta ban hành ra hôm nay sẽ có ảnh hưởng nhất định đến thế hệ tương lai…
Các DN Việt Nam hiện nay đang giải quyết vấn đề phát triển bền vững như thế nào? Các chuyên gia cho rằng, nhìn chung các công ty thường quy việc giải quyết những vấn đề này vào trách nhiệm xã hội của DN. Cụ thể, họ không chỉ thực hiện những trách nhiệm mà pháp luật quy định, mà họ còn thể hiện những trách nhiệm của mình đối với xã hội như tham gia vào các hoạt động giúp điều chỉnh những mục tiêu về kinh tế – xã hội và môi trường.
Theo ông Thanh Lê, hiện đã có một số DN nước ngoài sang Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề về phát triển bền bững như Unilever, Siemens, Schneider Electric… tự giác thực hiện các trách nhiệm xã hội ngoài những gì mà pháp luật địa phương quy định, từ đó tự thiết lập các tiêu chuẩn giải pháp tiết kiệm nguồn lực và giảm thiểu phát thải trong quá trình sản xuất. Đồng thời giúp các DN Việt Nam cải tiến công nghệ và đưa những công nghệ mới vào Việt Nam, tạo ra nhiều loại sản phẩm tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả của các hoạt động về môi trường mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cho DN. Thời gian tới, ông Thanh Lê cho biết Chính phủ Việt Nam cần ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực môi trường, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, và có ưu đãi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này.
Song song với phát triển bền vững các chuyên gia cho rằng các DN Việt Nam phải tiếp tục hội nhập được vào nền kinh tế thế giới. Muốn hội nhập được, TS Hàn Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Quản trị DN Việt Nam cho rằng các DN Việt Nam phải nâng cao năng lực quản trị DN. Vì quản trị DN sẽ liên quan tới một tập hợp tác mối quan hệ giữa ban giám đốc, hội đồng quản trị, cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác. Quản trị DN cũng giúp thiết lập lại cơ cấu, qua đó giúp xây dựng mục tiêu của công ty, và có những phương tiện phù hợp để đạt được mục tiêu, và có phương án giám sát hiệu quả mục tiêu. Ngoài ra, ông Tiến cũng khuyên các DN phải chú ý đến các yếu tố như đạo đức kinh doanh, và ý thức của mình về lợi ích môi trường và xã hội tại nơi công ty hoạt động. Vì điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng và sự thành công lâu dài của công ty, đó cũng là sự phát triển bền vững, giúp DN hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.
Tại Việt Nam, thời gian qua các Bộ, ngành cũng đã bắt đầu chú ý đến vấn đề hội nhập và phát triển bền vững của DN. Ông Nguyễn Bá Cường – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chính sách thu hút đầu tư cũng đã chú trọng nhiều hơn đến những lĩnh vực phát triển bền vững và tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế như các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, chế biến thuỷ sản, tiết kiệm năng lượng,…/.
Chu Huỳnh – Thu Hường