Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh có lịch sử gần 3 thế kỷ. Từ rất sớm nơi đây trở thành trung tâm thương mại sầm uất, giao lưu với nước ngoài rất nhộn nhịp và là nơi phát triển mạnh các nghề thủ công mỹ nghệ. Với việc tiếp xúc sớm với nước ngoài, đây là nơi tiếp xúc sớm nhất kỹ thuật của Châu Âu.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay bao gồm thành phố Sài Gòn. Chợ lớn và tỉnh Gia Định trước đây. Thành phố Hồ Chí Minh ở vào vị trí chiến lược, là đầu cầu đi vào đất Nam Bộ, có đường giao thông thủy bộ quan trọng, có bến cảng giao lưu được với Đông Nam Á và thế giới, nên từ rất sớm đã trở nên nơi tập trung dân cư đông nhất ở Lục tỉnh Nam Kỳ. Dân số thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên đột biến trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, bởi những vùng nông thôn bị tàn phá và bởi chính sách đô thị hóa cưỡng bức của chính quyền Sài Gòn.
Vào năm 1698, dân số toàn vùng Sài Gòn chỉ mới ước độ 1 vạn đã tăng lên khoảng 60.000 người (1819). Khi thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, một phần quan trọng cư dân ở đây bị tản lạc vì chiến tranh, do vậy dân số sụt xuống chỉ còn độ 20.000 vào năm 1863. Những năm sau đó do chiến sự chấm dứt và do sự phát triển kinh tế Sài Gòn-Chợ Lớn, dân số đã tăng nhanh: 100.000 năm 1890 tăng lên 300.000 người vào năm 1921. Đến năm 1945 dân số vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã là 450.000 người. Năm 1954, số dân đã tăng lên đến gần 2 triệu người và Sài Gòn-Gia Định đã trở thành thành phố đông dân nhất miền Nam Việt Nam. Từ năm 1954 đến 1975 dân số Sài Gòn-Gia Định từ 2 triệu người tăng lên 3,9 triệu người.
Từ năm 1975 đến nay, do nhiều biến động cơ học như một số lớn dân cư hồi hương, đi xây dựng vùng kinh tế mới, xuất cảnh, đi thanh niên xung phong, xây dựng các nông lâm trường... cộng với một số mới sanh sẵn, nên dân số thành phố Hồ Chí Minh chỉ giao động trong khoảng trên dưới 4 triệu người (1989), đã trở thành một trung tâm công nghiệp, văn hóa, khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao dịch quốc tế, một đầu mối giao thông quan trọng, một trung tâm du lịch và là một trong 3 thành phố lớn của cả nước. Bản thân thành phố là một hải cảng quan trọng. Sông Sài Gòn với độ sâu có thể tiếp nhận các tàu biển trọng tải trên 30.000 tấn, một ưu thế hiếm có trên thế giới đối với một thành phố lớn ở sâu trong nội địa. Cảng Sài Gòn được thành lập từ năm 1862.
Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh có tốc độ tăng dân số tự nhiên thuộc loại thấp nhất toàn quốc nhưng lại có sức thu hút dân cư rất mạnh từ các nơi khác tới. Mức tăng trưởng dân số không giống nhau giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Trên phạm vi Thành phố, sự chênh lệch giữa quận đông dân nhất và huyện thưa dân nhất lên tới 684 lần. Mật độ dân số cao nhất là quận 5 với 58.813 người/km2, thấp nhất là Cần Giờ với 86 người/km2.
Sài Gòn ngày nay có 22 quận, huyện. Nội thành gồm các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức. Ngoại thành gồm các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Thành phố có 305 phường, xã, thị trấn.
Quận 1 là trung tâm hành chánh, kinh tế, giao dịch của Thành phố. Các cơ quan hành chánh đầu não của Thành phố nằm trên địa bàn quận này. Quận 3 là địa bàn cư trú lý tưởng với các đường phố thoáng mát, biệt thự thanh lịch, ít tiếng ồn và bụi bặm. Quận 4 là nơi mà người dân chủ yếu sống bằng những nghề lao động vất vả dựa vào hệ thống nhà kho, cầu tàu, bến cảng. Quận 5 thuộc vùng Chợ Lớn, nơi tập trung thế mạnh kinh tế của hơn nửa triệu người Việt gốc Hoa sinh sống tại đây từ lâu. Ở ngoại thành thì Củ Chi mang nhiều đổi thay lớn lao nhất. Từ một vùng trắng trong chiến tranh nay đã thiết lập được những công trình xây dựng đồ sộ, đặc biệt là khu di tích lịch sử Bến Dược, Địa Đạo Củ Chi.. Hàng năm thu hút hàng trăm ngàn du khách. Xa nhất là huyện Cần Giờ nằm ở cuối sông Sài Gòn. Với chủ yếu là những cánh rừng Đước được thành lập để phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay cũng như trong tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh. So với Sài Gòn cũ, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay rộng lớn hơn nhiều.
Hiện nay thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất nước, thu hút hàng năm 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Sở dĩ như vậy vì ngoài cơ sở hạ tầng khá tốt, giao thông tương đối thuận tiện, thành phố là một nơi có tài nguyên du lịch phong phú. Nơi đây là một vùng đất gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc kể từ khi thực dân Pháp đặt chân lên Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ra đi tìm đường cứu nước (1911). Gắn liền với sự kiện đó, cảng Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh là một di tích quan trọng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Các di tích cách mạng khác như địa đạo Củ Chi, hệ thống các bảo tàng, nhà hát, nhà văn hoá, các công trình kiến trúc thời Pháp là những điểm du lịch hấp dẫn. Gần đây thành phố đã đầu tư nhiều khu du lịch như Thanh Đa, Bình Qưới, nhiều khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Kỳ Hoà, công viên Nước, Suối Tiên,... đã thu hút và hấp dẫn du khách. Hiện nay, thành phố đang tiến hành tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình kiến trúc cổ, đầu tư cho hệ thống bảo tàng, khôi phục nền văn hoá truyền thống kết hợp với tổ chức các lễ hội, khôi phục văn hoá miệt vườn, làng hoa để phát triển một cách vững chắc ngành du lịch của thành phố.