Đám hỏi – Tinh hoa văn hóa người Việt

Thứ sáu, 25/11/2011, 16:27 GMT+7

Một cặp đôi từ lúc quen nhau cho đến lúc gắn bó thành vợ chồng là một quá trình dài. Họ phải trải qua nhiều cung bậc tình cảm khác nhau: từ thích, cho đến thương, đến nhớ rồi dần dần chưng cất thành tình yêu. Và tình yêu tinh khôi thuở ban đầu đó của hai người đến một lúc nào đó sẽ trở thành một thứ tình cảm thiêng liêng và nghiêm túc, họ muốn được chung sống dưới cùng một mái nhà, muốn được ở bên cạnh nhau đến suốt đời. Lúc này được sự đồng ý của hai bên gia đình, đôi trai gái sẽ tiến tới hôn nhân. Và nghi lễ đầu tiên đánh dấu sự gắn kết của hai người trước hai bên gia đình và xã hội chính là Đám hỏi.

Đám hỏi là một nghi thức trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt, là lễ thông báo chính thức việc hứa gả giữa hai họ. Cô gái trở thành “vợ sắp cưới” của chàng trai và chàng trai chính thức xác nhận là con rể trong gia đình nhà gái. Những người thân thích hai bên gia đình ngầm hiểu rằng, sau lễ ăn hỏi này, hai người sẽ trở thành vợ chồng, chỉ còn chờ đến ngày cưới, là ngày gắn kết thực sự của họ trước bạn bè, người thân và cả pháp luật.

Trong ngày này, nhà trai sẽ mang lễ vật tới nhà gái. Lễ vật đựng trong các tráp phủ vải diều màu đỏ, thường có rượu, chè, bánh cốm, bánh phu thê, mứt sen, xôi, lợn sữa quay… và đặc biệt, một thứ không thể thiếu, đó là trầu cau. Trầu cau gắn liền với một sự tích cùng tên mà khi chỉ mới còn là một đứa bé ngây ngô, tinh nghịch ta đã được nghe bà kể. Hồi còn bé, chưa hiểu thấu được ý nghĩa của nó, chỉ mỗi lần thấy bà nhai trầu là lại chạy tới vòi vĩnh đòi bà kể chuyện. Đến khi lớn lên, và cũng chính trong ngày lễ đính ước đáng nhớ này, câu chuyện “Trầu cau”, thực sự có ý nghĩa đối với hai người. Nó tượng trưng cho tình nghĩa sắt son, thủy chung của vợ chồng, là nét tinh hoa đáng quý của người Việt được lưu giữ từ xa xưa cho đến tận bây giờ.

Đặc biệt, trong đám hỏi, bên nhà trai dù phương tiện đi lại là xích lô, xe máy hay ô tô thì cũng phải dừng lại cách nhà gái khoảng 100 m, sắp xếp đội hình, rồi đội lễ đi bộ vào nhà gái. Sau khi thực hiện xong những nghi thức chính của một đám hỏi, thông thường nhà gái sẽ chuẩn bị một bữa tiệc mặn để thiết đãi gia đình nhà trai, nhằm tạo không khí hàn huyên, gắn bó.

Địa điểm để tổ chức một lễ đám hỏi luôn luôn ở tại nhà gái, để hàng xóm và mọi người có thể thấy được sự xôm tụ, thân mật của hai bên gia đình, đồng thời, đây cũng giống như thông báo với mọi người, với hàng xóm rằng người con gái của gia đình đó đã có nơi có chốn và trong thời gian sắp tới sẽ chính thức tổ chức đám cưới với người mình thương.

Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới, xưa kia có khi hàng bốn năm năm nhưng ngày nay thời gian được rút ngắn lại có khi chỉ có ba ngày.

Đám hỏi ở Việt Nam cũng giống như lễ đính hôn ở những nước khác, lễ đính hôn này được đánh dấu bằng những món lễ vật mà nhà trai trao cho nhà gái. Như ở Hy Lạp, quà đính hôn không thể không có nhẫn, nó được trao từ chú rể sang cha cô dâu. Ở Nhật, chú rể có thể nộp ba tháng lương cho gia đình vợ tương lai như một thứ quà cho lễ đính hôn. Ở Tây Tạng (tại các nước Hồi giáo), vật phẩm đính hôn là sự cam kết rằng cô dâu đó vẫn còn trinh tiết…

Đám hỏi là lúc bố mẹ hai bên gặp gỡ lẫn nhau và đặt nền tảng cho mối quan hệ lâu dài của con cái mình trên cơ sở pháp luật. Đó cũng là ngày thể hiện lòng biết ơn của nhà trai đối với công ơn dưỡng dục của cha mẹ cô gái, thể hiện sự quý mến, tôn trọng của nhà trai đối với cô dâu tương lai. Đây chính là sự gắn kết khởi đầu cho mối quan hệ của người nam và người nữ trước khi đi đến quyết định chung sống với nhau đến trọn đời.

Đám hỏi chính là sự thông báo công khai mối quan hệ của đôi uyên ương với gia đình và hàng xóm, chính là buổi lễ đánh dấu sự gắn kết giữa hai bên gia đình, đánh dấu sự ràng buộc của hai con người về mặt xã hội, đánh dấu sự gắn kết của hai tâm hồn sẽ mãi thuộc về nhau.

HƯƠNG QUỲNH

weddingbridal



 

Giới hạn tin theo ngày :